.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, May 29, 2013

THƯ NGỎ CON GÁI NHÀ VĂN NGÔ TẤT TỐ: “ĐỨC THẬT THÀ VÀ TẤM LÒNG THÀNH KÍNH VỚI CÁC NHÀ VĂN TIỀN BỐI”


Trong dòng chảy lịch sử kháng chiến chống Pháp (1946-1954), việc gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (tên Đảng Cộng sản Việt Nam trước năm 1951) ghi nhận một sự kiện quan trọng trong hoạt động đương thời của nhiều văn nghệ sĩ ở nước ta trước đây.
Trang bìa lót cuối sách “Ngô Tất Tố Nghiệp văn nghề báo”
ghi rõ “Chịu trách nhiệm bản thảo: Nguyễn Huy Thắng”
Riêng đối với các nhà văn, khá nhiều tư liệu của bản thân các nhà văn tiền bối, các giáo trình dạy văn học ở bậc đại học, cao đẳng, các văn bản của các cơ quan chức năng đã đề cập và giới thiệu ngày càng đầy đủ về sự việc có ý nghĩa này.
Nhân dịp “một trăm ngày” ngày mất của Cha tôi, Bác Nguyên Hồng, người láng giềng gần gũi của gia đình chúng tôi, bạn văn thân  thiết của Cha tôi ở xóm văn nghệ Ấp Cầu Đen Bắc Giang, trên Tạp chí Văn nghệ, số 54, 8 - 1954, đã viết rõ: “Trong cuộc học tập của một số anh em văn nghệ sĩ ở một địa điểm Việt Bắc, ngày mồng 1 tháng 5 năm 1948, Ngô Tất Tố đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Tiếp theo sau đó, trong các sách của ngành giáo dục do các nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đức Đàn, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh… biên soạn, các sách của nhiều nhà xuất bản như Giáo dục, Văn học…, sách của Hội Nhà văn Việt Nam, đều ghi nhận cha tôi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Gần đây nhất, trong phần niên biểu của sách “Ngô Tất Tố - nghiệp văn nghề báo” - Nxb Kim Đồng in năm 2009 viết rõ ràng là nhà văn Ngô Tất Tố vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948.
Ông Phạm Thế Cường, Chủ nhiệm câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã viết: Ông Thắng có tìm hiểu thêm về chuyện vào Đảng của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp, thì chỉ thấy có nói nhà văn Nguyễn Tuân, khi ấy là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, vào Đảng ngày 18-4-1950.
Thật đáng ngạc nhiên!  Bởi lẽ về năm vào Đảng Cộng sản Đông Dương của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp không phải mất công tìm hiểu ở đâu xa. Ông Cường và bản thân ông Thắng hãy đọc kỹ lại phần niên biểu của loạt ấn phẩm từ bộ sách “nhà văn của em” do chính ông Thắng là “người chịu trách nhiệm bản thảo”, được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản trong thời gian gần đây, bạn đọc sẽ thấy ngay thời gian vào Đảng của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp như sau: Hoài Thanh (1947), Nam Cao (1948), Ngô Tất Tố (1948)…, (riêng niên biểu trong sách viết về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do Nguyễn Huy Thắng biên soạn không thấy ghi năm và việc vào Đảng của nhà văn). Tôi còn có tư liệu thêm: Văn Cao (1948), Nguyễn Hữu Đang (1947)…
Chẳng có lẽ những mốc thời gian nêu trên trong sách của “Nhà xuất bản Kim Đồng công bố”, ghi rõ “giữ bản quyền” của nhà xuất bản, lại do “chính ông Thắng chịu trách nhiệm bản thảo” đều không “có sức thuyết phục” ư !?  
Ông Cường lại nói hộ “Ông Thắng rất mong gia đình nhà văn Ngô Tất Tố sớm chính thức cho công bố thông tin này”, theo dẫn chứng trên chính nhà xuất bản Kim Đồng và chính ông Thắng – tôi nhắc lại – là một lãnh đạo và “chịu trách nhiệm bản thảo” thì chính nhà xuất bản của ông Thắng đã công bố rồi còn gì nữa!
Qủa là non nớt khi ông Cường đề nghị: “Về ngày vào Đảng của cụ Tố, muốn phản bác bà cần phải đưa ra chứng cứ xác thực như Lý lịch Đảng viên, quyết định kết nạp Đảng… để mọi người hâm mộ cùng thưởng lãm để sau này không ai còn nghi ngờ ”… Trong hoàn cảnh đầy khó khăn của kháng chiến chống Pháp, Đảng lại lui vào hoạt động bí mật, cứ theo đề nghị “ngây ngô, ấu trĩ” này của ông Cường, khi viết về việc vào Đảng của những nhà văn tiền bối khác trong kháng chiến chống Pháp - có thể hoặc chắc chắn hồi đó ông Cường chưa ra đời - thân nhân của các cụ đều phải đưa ra “lý lịch đảng viên, quyết định kết nạp đảng” như thời nay, theo “kiểu đề nghị” của ông Chủ nhiệm Câu lạc bộ NYSNHT thì mới có sức thuyết phục ư!?
Lịch sử Đảng ghi rõ, trước đây tên là Đảng Cộng sản Đông Dương, đến tháng 11 năm 1945 Đảng lui vào hoạt động bí mật, đến tháng 2 năm 1951 Đảng ra công khai, đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, từ năm 1976 mới có tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, tôi cần nói ngay trang mạng Wikipedia viết: “Ngô Tất Tố là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Namlà không đúng vì hồi đó Đảng vẫn mang tên là Đảng Cộng sản Đông Dương, còn về ý “nhưng chưa rõ ông gia nhập đảng năm nào” chúng tôi đã cung cấp tư liệu và chính thức có ý kiến là năm 1948 với Bộ biên tập của Wikipedia.
Nhân đây tôi nhấn mạnh, Ông Cường tỏ ra trân trọng dẫn tư liệu của Wikipedia về việc trên, nhưng chính ông chủ nhiệm CLBNY SNHT đã không chịu khó đọc kỹ hay cố tình không đọc dòng chữ thứ hai viết về xuất thân của Ngô Tất Tố: “Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái”. Nếu thật tâm coi trọng tư liệu của Wikipedia thì ông chủ nhiệm CLB sẽ tỉnh táo, bác bỏ ngay và không để “nhân vật tiến sĩ, nhà sử học” nói sai trong cuộc họp của Câu lạc bộ là nhà văn có người anh ruột!?      
Di bút của Bác Nguyên Hồng và những dẫn liệu tôi trình bày trên đã hoàn toàn phủ định nội dung của ông Thắng viết về thân mẫu là vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng “chứng kiến lễ kết nạp Đảng của nhà văn Ngô Tất Tố” như ghi lại dưới đây là không có và hoàn toàn sai sự thật.  
 “Một hình ảnh mẹ tôi nhớ mãi về cụ là hôm cụ được kết nạp Đảng. Mẹ tôi và nhiều người khác ở cơ quan cũng được mời chứng kiến. Khác với ngày thường áo bông áo cánh, hôm ấy cụ Tố mặc áo dài the, lúc cụ trịnh trọng giơ tay nói "Xin thề" trông cụ cổ kính lắm. Với tất cả sự cách biệt về tuổi tác (mẹ tôi kém cụ tới gần ba chục tuổi), sự khác nhau về thế hệ, mẹ tôi luôn nhớ về cụ như một người anh lớn của cha tôi và cả của bà với những tình cảm vừa kính trọng vừa thân thiết...”.
Trong hoàn cảnh Đảng Cộng sản Đông Dương còn đang  hoạt động bí mật, Bác Nguyên Hồng viết Trong cuộc học tập của một số anh em văn nghệ sĩ ở một địa điểm Việt Bắc, năm 1948, trong khi đó vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn bị kẹt (chữ dùng của ông Thắng) mãi tới năm 1951 mới ra Việt Bắc được, ông Thắng lại “hư cấu” là “Mẹ tôi và nhiều người khác ở cơ quan cũng được mời chứng kiến” theo kiểu lễ kết nạp đảng viên công khai như sau này thời ông Thắng mới được thấy (!?)
Ông Cường lại “viết hộ” rằng “Theo ông Thắng, nếu có phản hồi của gia đình, chắc chắn ông đã xem lại bài viết và trao đổi lại ngay”.
Thật hết sức mâu thuẫn, nhà xuất bản Kim Đồng đã “công bố minh bạch một đằng” về việc nhà văn Ngô Tất Tố gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948 thì bản thân ông Thắng lại hư cấu “viết ra một nẻo khác”. Tư liệu do nhà xuất bản Kim Đồng công bố và tự nhận “giữ bản quyền” trong bộ sách “Nhà văn của em” chính là phản biện đanh thép đủ để ông Thắng xem lại bài viết. Ông Cường khỏi cần phải “biện hộ” vì ông Thắng có thừa căn cứ trong tay để kiểm chứng và có dư thời gian để suy xét, mà sao chỉ là “trao đổi lại”, phải thật cầu thị, phải xin lỗi và cải chính nội dung đã viết sai trước bạn đọc chứ.
Có điều tôi cần nói rõ nữa, là năm 1947, do thiếu thốn về vải vóc của ngày đầu đi kháng chiến, Cha tôi đã cắt hai vạt áo the đen ra làm vỏ áo trấn thủ cho hai em trai tôi. Thời gian Bác Nguyễn Huy Tưởng về ở tại Ấp Cầu Đen, thường xuyên sang ngồi làm việc ở nhà tôi, trông thấy em tôi mặc áo trấn thủ đen lại hay quệt nước mũi vào áo, Bác Tưởng còn nói vui: “áo cháu mặc bằng vải gì mà đen bóng thế”. Thế thì đến năm 1951 làm gì còn tấm áo the để Cha tôi mặc, để ông Thắng kể rằng mẹ mình là vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng “trông cụ cổ kính lắm”! Tôi nhấn mạnh, cái chính là hoàn toàn không có “buổi lễ” như ông Thắng lấy danh nghĩa thân mẫu đã viết, còn chuyện “về chiếc áo the” càng chứng minh ông Thắng đã viết sai lại còn sai hơn nữa.
                                                       *
Trong số Tết năm 2002, nhà văn Nguyễn Đình Thi, trong bài viết “Tết, nhớ mấy ông cả” đăng trên báo Văn nghệ số Tết Nhâm Ngọ năm 2002 đã viết rất cụ thể cảm nghĩ về “mấy ông cả” là Ngô Tất Tố, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát.
Đem đối chiếu đoạn văn Bác Thi kể chuyến về thăm “xóm văn nghệ” Ấp Cầu Đen hồi Tết năm 1948 của hai nhà văn Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng so với nội dung cũng về việc này mà ông Thắng viết trong bài “Cha tôi với cụ Tố cụ Phan” được diễn đàn Câu Lạc Bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (Tháng 4/2013) đăng tải lại thấy một lần nữa ông Thắng bất chấp sự thật, quá liều lĩnh viết trái ngược hẳn ý kiến của Bác Thi đã viết lúc sinh thời.
Bác Thi viết: 


Ảnh sao chụp đoạn văn kể về Nhà văn Nguyễn Đình Thi và
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về thăm xóm văn nghệ Ấp Cầu Đen
… “Tôi nhớ lại căn nhà mái tranh, vách đất của bác Ngô Tất Tố Tố... Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp Khu ủy 12 và Tỉnh ủy Bắc Giang đã giúp đỡ một số văn nghệ sĩ từ Bắc Ninh lên ở nơi xóm nhỏ ấy. Nơi ấy, cùng với gia đình bác Tố, đã có gia đình các nhà văn   Nguyên Hồng, Kim Lân và các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, mấy ngôi nhà cũng mái tranh vách đất... Những ngày gần Tết năm ấy, anh Nguyễn Huy Tưởng, anh Văn Cao, anh Tố Hữu và tôi ở Phú Thọ, ráo riết chuẩn bị ra tạp chí Văn nghệ do anh Tố Hữu làm thư ký tòa soạn. Và một hôm, anh Nguyễn Huy Tưởng cùng tôi lên đường về cái xóm văn nghệ Ấp Cầu Đen. Sau mấy ngày đường, tới nơi, chúng tôi gặp các bạn cùng mừng rỡ quá. Buổi chiều anh Nguyên Hồng đưa anh Tưởng với tôi sang chào bác Ngô Tất Tố. Bác tiếp chúng tôi giản dị, nơi bàn nước. Anh Tưởng nói về công việc chuẩn bị ra tạp chí. Bác Tố vui mừng nhận sẽ cộng tác. Anh Tưởng giở chiếc túi vải nhỏ lấy ra một trăm đồng, nói là món quà Tết của đoàn thể, mong bác vui lòng nhận. Anh con trai lớn bác Tố vẫn đứng phía sau, lúc ấy lên tiếng “Con xin phép thày, thật là quý hóa nhưng có lẽ…” Bác Tố quay lại nghiêm nghị: “Anh không được phép nói vào chuyện của thày với các bác”. Rồi bác vui vẻ nói: “Cảm ơn hai bác, tôi xin nhận và xin cảm ơn đoàn thể”. Buổi tối hôm ấy, mấy bạn ở cái xóm văn nghệ nhỏ, chúng tôi quây quần quanh một mâm cơm rượu, tôi không nhớ rõ là ở nhà anh Trần Văn Cẩn hay anh Tạ Thúc Bình”.
Nhân ngày “Tết Nhâm Ngọ, Nhớ Những Ông Cả”, Bác Thi đã kể về việc Bác Tưởng cùng Bác Thi  đến thăm nhà văn Ngô Tất Tố do Bác Hồng đưa sang đã diễn ra chân thực như vậy, còn hậu sinh là ông Thắng lại viết: : “Đấy là một buổi họp giữa những người có trách nhiệm bàn định nhiều vấn đề của văn nghệ mà kết thúc là một bữa rượu uống vui với nhau. Tan cuộc thì trời đã tối lắm rồi. Cha tôi hôm ấy say lắm. Nhưng ông nhất quyết đến ngay nhà cụ Tố để trao số tiền của đoàn thể. Trời tối, đường trơn, người thì chếnh choáng, cha tôi cứ vừa mò mẫm đi vừa lo cho bọc tiền trước bụng. Mỗi lần vấp ngã, ông lại loay hoay gượng dậy xác định lại phương hướng, không quên kiểm tra xem bọc tiền có còn không. May sao cuối cùng ông cũng vượt được con dốc cao dẫn đến nhà cụ Tố bình yên vô sự trước sự ngạc nhiên của cả nhà...”
Ông Thắng viết: “Câu chuyện này tôi được nghe nhà văn Nguyễn Đình Thi kể lại trong buổi nói chuyện về đề tài văn nghệ trong kháng chiến tại trụ sở Đảng Xã hội. Đảng xã hội nay đã giải thể. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng đã thành người thiên cổ. Nhưng câu chuyện ông kể vẫn luôn sống động trong tôi mỗi khi nghĩ đến”.
Thực tế mục đích chuyến về thăm xóm văn nghệ Ấp Cầu Đen theo ý Bác Thi là để “trao đổi về việc chuẩn bị ra đời của Tạp chí Văn nghệ” đâu có phải như ông Thắng viết, tỏ ra quan trọng là “buổi họp giữa những người có trách nhiệm bàn định nhiều vấn đề của văn nghệ”.     
Chẳng có lẽ Bác Tưởng lại say rượu đến mức đã quên rằng mình đã cùng với Bác Thi được Bác Hồng đưa sang thăm và đưa tiền quà Tết tới nhà văn Ngô Tất Tố vào buổi chiều, lúc trời còn “thanh thiên bạch nhật”, ngược lại ông Thắng lại vẽ ra, thay bằng cảnh: “đêm hôm trời đã tối lắm rồi” cha ông Thắng phải riêng một thân một mình mò mẫm, tìm lối sang nhà nhà văn Ngô Tất Tố.
Sinh ra muộn mãi sau này, lại không sống ở đó, làm sao mà ông Thắng hình dung ra được “không gian xóm văn nghệ” Ấp Cầu Đen. Đúng như Bác Thi đã viết, có năm gia đình các văn nghệ sĩ quay quần sống trên đỉnh đồi gồm: một phía là gian nhà của Cha tôi, tiếp đến là nhà Bác Trần Văn Cẩn, Bác Tạ Thúc Bình rồi tới nhà Bác Nguyên Hồng, phía cuối bên kia là nhà Bác Kim Lân. Các nhà ở gần nhau, cách nhau một cái sân, không có hàng rào, từ nhà phía đầu tới nhà phía cuối chỉ mấy chục mét, làm gì có “cái dốc cao” giữa các nhà để ông Thắng “bắt thân phụ ông” phải khổ sổ vượt qua như ông Thắng viết.    
Cha tôi tiếp các bác có mặt anh cả tôi, Bác Thi còn kể cảnh cha tôi nghiêm nghị nhắc nhở tôi về khuôn phép trong gia đình, thế mà ông Thắng lại “ly kỳ” viết: “May sao cuối cùng ông cũng vượt được con dốc cao dẫn đến nhà cụ Tố bình yên vô sự trước sự ngạc nhiên của cả nhà...”.
                                                    *
Trong bức “Thư ngỏ”, có chỗ Chủ nhiệm CLBNYSNHT là ông Cường có đặt câu hỏi “Tôi có ý đồ gì”? Trong bài viết này, tôi thẳng thắn và công khai nhấn mạnh là tôi có ý định nói lên sự thật. 
                                                       *
        Kính thưa Quý vị độc giả,
Nhiệt huyết mấy chục năm cầm bút một lòng yêu nước thương dân đã thôi thúc Cha tôi không phân vân đắn đo mà chủ động và tự nguyện sớm đưa trọn vẹn cả gia đình lên đường đi kháng chiến. Tôi khẳng định không một tổ chức, một cá nhân nào đứng ra vận động, tổ chức cho Cha tôi “lên chiến khu tham gia cuộc trường chinh của dân tộc”. Trong muôn vàn khó khăn của kháng chiến, gia đình chúng tôi đã ra sức và đã đủ sức tự lực nuôi nhau để cùng Cha tôi theo đuổi kháng chiến tới cùng. Dù là bao nhiêu nhưng chỉ sau khi Cha tôi bằng lòng nhận, thì chúng tôi hết sức trân trọng sự quan tâm giúp đỡ từ tập thể của đoàn thể, nhưng tôi kiên quyết không chấp nhận những “thêu dệt”, “đặt điều” của ông Thắng, dưới “bóng dáng” thân phụ đã viết những điều sai lệch không đúng, khác hẳn với ý kiến của Bác Nguyễn Đình Thi đã trực tiếp kể lại lúc sinh thời về chuyến đến thăm Cha tôi ở Ấp Cầu Đen, cũng như việc ông Thắng lại dưới “danh nghĩa” thân mẫu, đã viết quá sai về thời gian, địa điểm Cha tôi gia nhập Đảng, xúc phạm lớn đến ý kiến về việc này của Bác Nguyên Hồng. 
Tôi luôn luôn đinh ninh, cuộc đời và sự nghiệp của cha tôi cũng như của các thế hệ nhà văn cùng thời, không còn là chuyên riêng của gia đình, của quê hương mà đã thuộc về đất nước, thuộc về dân tộc. Đối mặt với những điều viết không đúng về các bậc tiền nhân, sai lệch với sự thật di bút của các cụ để lại, có liên quan đến hoạt động của Cha tôi, tôi xin giãi bày, đồng thời kiên quyết công khai nói lại cho rõ, viết lại cho đúng và đối thoại tới cùng.        
Kính thưa Bác Nguyên Hồng, Bác Nguyễn Đình Thi, trong bài viết này cháu thành kính xin phép Hai Bác cho cháu được sao dẫn ý kiến của Hai Bác.
Kính thưa Quý vị độc giả,
Tôi kính mong nhận được sự khuyên bảo và chia xẻ của Quý vị.
Kính thư!
                                                              Ngày 25.5.2013
NGÔ THỊ THANH LỊCH
Nguồn: Phong Điệp


HỒI ỨC SÔNG LUỒNG: “CHÓ GẦY SỦA LẠ GIỌNG KHAO KHAO”


HỒI ỨC SÔNG LUỒNG

Chưa được làm thuyền đua nước chảy
Thì theo người trẩy ngược bờ cao
Sông Luồng bọt nước sôi đầu sóng
Chẳng phải lênh đênh cũng bọt bèo
Ngước nhìn lên dốc cao cao nữa
Mái tranh xám mốc ẩn trong lau
Mây trắng mây trắng vướng trên nóc
Chó gầy sủa lạ giọng khao khao
Đã hườm vườn mía dâng hơi ngọt
Gầy guộc tay em cuốc sỏi đồi
Màu chàm chầm chậm xoay theo đất
Chẳng khác đời sông sóng quặn trôi
Chập cả dáng em trong dáng mế
Không anh cả trong mắt em nhìn
Mang mang tia mắt như giọt bể
Trôi cả buồm xa lẫn cánh chim…
                 
(Sông Luồng, Miền Tây Thanh Hóa 2011)
Lời bình của Nguyễn Minh Thắng:
Cuối năm 2012, Đinh Ngọc Diệp ra mắt tập thơ “Hành trình” –NXB Văn học, đầu năm 2013 đã có ngay bản thảo tập thơ “Hành trình 2”  trên bàn biên tập. Thơ Đinh Ngọc Diệp- một chặng hành trình từ ngọn sóng đến chân mây. Đinh Ngọc Diệp hẳn là người biết “chiêm tinh” luận thế. Anh ngồi trên ba ngọn núi ngược, tạo thành một cái kiềng của đất trời, mà tắm mình ở những dòng sông ngược thủy, cái dòng sông mang nước lên trời ấy, xuất thân từ ba ngọn núi ngược. “Tam Đảo” để cái thần chảy trên ngọn bút anh dài như dòng sông sương mà anh là người, là hạt giống lạ mảnh đất giành cho , mảnh đất đợi chờ. Từ ấy Đinh Ngọc Diệp đã thổi hồn vào cỏ cây hoa lá vào núi non hùng vĩ: “Trong lãng đãng ngàn mây Tam Đảo/ Chốn lắng lòng của tạo hóa đa đoan/ Mặt trời nhóm vàng ngày, thương ai đợi nắng/ Màu xám bên đường chống cuốc ngóng  mây loang…”
Tam Đảo- chốn bồng lai tiên cảnh dường như chỉ dành đãi khách phương xa. Nhưng có người khách thơ vẫn  nặng lòng với những lo âu, trăn trở của con người nơi đây đang chìm trong cuộc mưu sinh; hay chính anh trong lòng sẵn có nỗi niềm. Tác giả đồng cảm cùng người mẹ  có con học ở thành phố, chị đang lăn lóc với đá, với sương “…tìm su su ngắt ngọn/Nhặt từng đồng gom góp gửi theo con”. Sự lao động ở cái “chốn Thiên Thai” mà ta cảm thấy thật như trong huyền thoại. Tác giả Đinh Ngọc Diệp đã khắc họa một bức tranh một câu thơ tài hoa đến độ: “Người cuốc vào mây, mây xóa mặt người”- câu thơ ẩn hiện đan xen nhau nối thành một sợi dây giao hòa âm dương.
Nhìn vào thơ Đinh Ngọc Diệp, anh luôn chiếm lĩnh một thế cao, từ ở những thế cao này mà thơ anh có được cái chất lãng mạn từ không gian bắt nguồn chảy xuống. “Lưỡi cuốc vung lên chạm trời huyền thoại” đối lập với khổ dưới : “Giọt mồ hôi cay, củ khoai nướng năm ngàn” - dù có cao đến mấy cũng không rời khỏi mặt đất, nhưng chính nó mới là sự sống còn của muôn vật.
Tam Đảo có một thứ men của tạo hóa,một loại men không uống mà say.Câu thơ hiển thị lên cái ảo “lấy không cả men trời Tam Đảo” song nó lại kết nối hiển thị luôn cái thực: “nợ tay người ngọn lửa nướng khoai thơm”. Ta cảm nhận ra từ “lấy không” có nghĩa là “chiếm đoạt” mà chiếm đoạt của tạo hóa cũng là người có gan trời. Đinh Ngọc Diệp dám chiếm đoạt của tạo hóa. Nhưng với thảo dân thì không mà còn trân trọng ghi nợ dù chỉ là chút vật chất cỏn con. Câu thơ thật chí khí, anh hùng, mà rất mực quân tử, nó đẩy câu thơ lên tới đỉnh của sự nhân văn.
Ở khổ tám trong bài “Tam Đảo”, ta thấy sự tương phản của hai màu sắc đập vào trực giác đó là màu đỏ màu của áo sinh viên, màu trắng màu của thác nước. Vào lúc du khách tưởng sắp chìm vào khói sương, sắp hóa thành Từ Thức lên tiên, chính tiếng cười và màu áo đỏ của em ấm nóng như mặt trời đã níu kéo con người ở lại với trần thế: “Áo đỏ sinh viên gặp bên Thác Bạc/ Ta níu mặt trời, sao nỡ em quên/ Mây xóa nẻo về, chợt ta hóa khói/ Em- tiếng cười dưới dốc vừa lên…”
Ở bài “Mây Riêng” lại là một bài thơ tình lãng mạn. “ Phải người chao chát chi đây/ Mâycafé để suốt ngày dọa mưa?”Mới nghe đến từ “mây café” sự liên tưởng rộng ra ngoài bầu trời, ở ngũ sắc mây, thì chưa có người nào gặp mây có màu cà phê. Sau lúc phân vân và đọc xuống dưới, cho đến lúc ngộ ra cụm từ trên để chỉ tên quán cà phê với tên chủ quán là “Mây” ,tác giả đã quán từ bằng cái chớp rạch trời và mây vẫn ùn ùn kéo về bằng câu thơ: “Ông trời rạch chớp – mây chưa hao mòn”.Một câu thơ có thể nói là “đắc địa” khi mà trời mưa sấm chớp, ta ngồi bên tách cà phê tí tách nhỏ giọt ;mây mưa bốn bề sầm sập. Cảnh ấy người này làm sao mà vui được, ngồi uống ly cà phê là để giết thời gian, chờ cho đến lúc “ngán mưa”. Khi mà trời vào quán ngồi-mưa tạnh thì hẳn khách cà phê cũng phải rời quán. Song “Mây em mang khát lên trời” lại là sự bất ngờ,mới lạ, mạnh mẽ đến độc đáo! Đó chính là - một giá trị ở đời mà tác giả đã dựng lên sừng sững giữa không gian trời đất vần vũ cho mọi người  chiêm ngưỡng!Mây lên trời, không phải mây-nước quen thuộc, đây là mây “mang khát”, cả một đời “thu giông,tích bão” để “tụ mây”; trời đổ mưa sầm sập mà cơn khát vẫn chưa hạ hỏa!
Sang khổ hai, để nói một tình cảm đơn phương nhưng tác giả có cách nói riêng: “Tự tôi ngập lụt…em thành phao bơi”. Mải cuốn theo cơn lũ của tình cảm, người đọc bỗng giật mình khi đột ngột bị trả về cái thực cuả quán café mà từ đầu ta đã dụng công đi tìm nó. Vì lẽ đó nên tác giả mới lấy tên bài thơ là “Mây riêng”.Tuy thế, đọc trọn câu thơ cuối “Tôi là kiếp khách …thương người cõi mây” lại thấy “khách” vẫn nhất quyết không từ bỏ cái tình đơn phương, vô vọng, ta thấy cảm  thương một tâm hồn đa cảm, hơi có vẻ tội nghiệp…
Qua hai bài “Tam Đảo ngày tôi đến” và “Mây Riêng” ta cảm nhận được cái hay, tinh tế ở mỗi bài. Hồi cốt của bài “Tam Đảo” được nhà thơ khắc họa cái cảnh cái tình của một nơi tiên cảnh, gắn với nỗi niềm nhân sinh, nó vượt lên nhiều bài viết về Tam Đảo. Nhưng đến bài “ Mây Riêng” tác giả lại nặng về nhân tình. Song bài “Hồi ức sông Luồng” thì cái vị ngọt vị mặn không còn trong sở hữu, cái đầu đòn gánh đã nghiêng về tâm lý vít cong những số phận cuộc đời nó lơ lửng treo những vị cay quả đắng cho từng nỗi đời, từng thân phận lênh đênh bèo bọt. Đau nỗi đau cái nghèo bám đuổi, câu thơ như kim châm vào từng thớ thịt, cảnh đấy, tình đây khiến người đọc cùng cảm lòng dằn vặt. Con người, sự sống, và cuộc đời họ như cái bóng đen đè nặng vào số kiếp, rồi cái đau cho cả sự mất mà đến con chó cũng mất đi về nguồn cội về ngôn ngữ mẹ đẻ…: “Chó gầy sủa lạ giọng khao khao”.Phải chăng sự lai căng nó đang và đã xâm nhập vào cả thiên hạ này, đưa chúng ta quay về một thời “ lộn kiếp”. Bài thơ “ Hồi ức sông Luồng” như được rót nỗi niềm của đời người vào trong cái chai nút lại. Cái nỗi đau cũng gầy guộc theo nỗi đời, sự xoay vần trong cuộc sống môi sinh từ cảnh vật đến con người cũng ngắc ngoải: “Ngước nhìn lên dốc cao cao nữa/ Mái tranh xám mốc ẩn trong lau/ Mây trắng, mây trắng vướng trên nóc/ Chó gầy sủa lạ giọng khao khao/ Đã hườm vườn mía dâng hơi ngọt/ Gầy guộc tay em cuốc sỏi đồi/ Màu chàm chầm chậm xoay theo đất/ Chẳng khác đời sông sóng quặn trôi…”
Ba bài thơ, ba mảng màu khác nhau đã được giới thiệu trên một số trang web như phongdiep.net, trannhuong.com, nguyennguyenbay.blogspot.com… và in  trên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số tháng 4/2013(bài Tam Đảo ngày tôi đến, Hồi ức sông Luồng).  Đinh Ngọc Diệp với “Hành trình” những chặng đường đời, những chặng đường ngàn vạn thiên lý còn gặp nhiều những kỳ bí trong chuyến hành trình của anh.
24 /4 /2013 ( 15/3/Quý Tỵ)

Nguyễn Minh Thắng
(Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội)
ĐT: 0168.920.2927