.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, August 5, 2013

PHÙNG KHẮC BẮC – THẢN NHIÊN MỘT CHẤM XANH

“Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh - xanh ngắt
Ký hiệu thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến khôn cùng
Thế mới là tôi
Thế mới là đời
Thế mới là thơ
Tất cả hòa nhập lại như ánh sáng trộn cùng bụi”.
Trong ngày thơ Nguyên Tiêu năm nay tại Văn Miếu, không khí thơ đặc biệt là người yêu thơ sao quá rộn ràng và đông đúc. Thơ thực sự chiếm một vị trí không thể thay thế trong đời sống tinh thần của người dân? Hay chúng ta quá ít những sinh hoạt tinh thần có ý nghĩa thực sự đến nỗi ngay như Ngày thơ Việt Nam cũng chỉ là nơi để đám đông như nước theo dòng, tàu dồn toa một cách vô thức. Họ đến vì không còn nơi nào hấp dẫn hơn, đến để hẹn nhau làm một việc gì đó, đến vì tò mò xem xem thế nào. Tôi cũng ở trong đám đông ấy, cũng bị dòng người xô cuốn, cũng vỗ tay, cũng ngước nhìn, nhẩm đọc thơ đang được chuẩn bị để thả lên trời. Rồi tôi rút ra khỏi đám đông khi chạnh nhớ về nhà thơ Phùng Khắc Bắc.
Sinh thời Phùng Khắc Bắc chỉ in duy nhất một tập thơ, lại do bạn bè lục lọi tìm kiếm trong các hốc tủ cũ kỹ của ông mà in ra. Nhà văn Xuân Thiều, người biên soạn, tuyển chọn viết: “… Tập thơ Một chấm xanh được tuyển chọn, biên soạn từ di cảo, sau khi anh mất. Trước đó, ít ai biết anh có làm thơ. Anh sống lặng lẽ, viết lặng lẽ, và viết xong cũng lặng lẽ cất vào tủ. Khi tập thơ được in ra, bạn đọc mới ngạc nhiên. Hồn thơ anh như một thứ gỗ trầm bỏ quên trong rừng. Bàn về thơ anh là một sự khó. Chỉ riêng việc anh tự ví mình, tự vẽ mình thành một chấm xanh cũng đủ gợi cảm. Một chấm xanh chứ không một chấm đỏ, chấm vàng, chấm đen... Một chấm chứ không phải một nét, một gạch, một khối... Cái chấm xanh kia làm ta liên tưởng tới một điều gì đó trong sáng, đầy đặn, giản dị và tốt lành”. Phùng Khắc Bắc mất ở tuổi 46, khi mà sức nghĩ sức viết đang ở độ chín. Ông sống thầm lặng và viết cũng thầm lặng. Ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, một trong những cái nôi của văn chương mà không ai biết ông làm thơ, viết văn. Ông rất sợ ai đó ăn to nói lớn, đặc biệt là những tuyên ngôn văn chương. Khi ấy ông lặng lẽ rút vào mình. Hẳn nhiên ông đến với văn chương theo lý lẽ của riêng mình, cái lý lẽ không phải người nào cũng hiểu. Hãy nghe ông viết về mẹ: “Không có trái bom nào rơi trúng mái nhà mẹ/ Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ/ Chỉ có đứa con trai đi xa/ Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống/ Đã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to, lỗ nhỏ khác nhau… Mẹ vẫn nói đời mình như nắng trận mưa cơn/ Mái rạ của mẹ cũng không thủng lỗ chỗ/ Nếu con chỉ ra đồng, ra chợ/ Chứ không phải đi vào chiến tranh”.
Cái hơi thơ như thản nhiên, như kể lể về những gì xung quanh một cách khách quan, trật tự, không bóng bẩy, không gân cốt mà sao vẫn cho bạn đọc sự bàng hoàng. Thơ Phùng Khắc Bắc khá nhất quán ở giọng điệu này. Tôi cho rằng khi viết những câu thơ này, lòng ông phải rất thanh thản, thậm chí giấu biệt đi những đớn đau dằn vặt mà thanh thản mới có thể bình thản viết về nỗi đau tài tình đến vậy. Cái thanh thản của Phùng Khắc Bắc chính là sự thanh thản một cách lạ thường của người lính trước giờ nổ súng. Người lính trước giờ nổ súng chắc chắn đã trở thành lịch sử chứ không phải riêng của bất kỳ một cá nhân nào.
Chỉ có thanh thản đến vô biên mới viết được những dòng thơ sau: Buổi sớm/ Nắng xiên nghiêng/ Anh nằm ngửa/ Mái nhà có mắt nhìn anh/ Người lính/ Lần đầu tiên giật mình…/ Những hạt bụi nhảy múa rung rinh/ Những con đường sáng lên như nắng.
Những con đường sáng lên như nắng. Có thể tưởng tượng được không, người con ấy, người mẹ ấy lại nhìn ra một con đường ấy. Thơ Phùng Khắc Bắc phảng phất hương vị thiền chính là ở chỗ này. Ông thiền trong lỗ thủng chiến tranh. Ông thiền khi cùng một hoàn cảnh có thể người khác đã hoảng loạn, mất phương hướng. Thơ ca khiến con người vụt lớn chính là như thế.
Đọc thơ Phùng Khắc Bắc, thấy rất rõ ông chủ động và chủ trương mô tả cuộc sống thực nhất như nó vốn có. Nhưng là cuộc sống thực đã qua chưng cất, qua lăng kính của nhà thơ nên nó vượt lên trên sự thực, nó là một sự thực khái quát, một sự thực chung cho rất nhiều người, cho một không gian và thời gian dài rộng: “Núi Thái Sơn rất cao nhưng vẫn là một chiều cao/ Con không được lấy chiều cao ấy mà đo công lao của cha/ Nếu dùng chiếc cân, nếu dùng cây thước, để làm rõ ra tình yêu thì đó là điều tàn nhẫn của con người/ Hãy lương thiện hơn trong việc này, nếu con không bao giờ nghĩ về cha như người đời đang nghĩ”. “Cha tôi vắng mặt/ Người đã tiễn tôi bằng cái nhìn như vuốt vào đôi mắt/ Đó là lúc Người khuyên tôi vào đại học, mà tôi quyết ra đi”.
Viết về người cha, thể hiện cuộc độc thoại giữa cha và con đến như vậy tưởng không gì trung thực và khách quan hơn.
Khi Phùng Khắc Bắc tự vẽ chân dung mình, tôi một lần nữa thán phục cái tính trung thực và sắc thái thản nhiên hiếm người có được. Thơ viết về thiên hạ trung thực đã khó, thơ viết về mình còn khó hơn nhiều. Thế mà ông viết: “Đi làm đảng viên/ Đi làm liệt sĩ/ Tất cả đều không thành/ Chỉ là thương binh/ Thương binh không vết sứt ngoài da/ Thương binh có những vết rách trong phổi/ Được hàn lại bằng kháng sinh và tình đồng đội… Chỉ có bộ óc là không hề sây sứt gì/ Bộ óc thêm những vết nhăn hằn sâu…”.
Những dòng thơ cứ hài hài, chương chướng, như móc máy gì ai ấy lại là viết cho chính mình, cười nhạo sự thất bại của mình một cách thản nhiên nhưng cũng từ ấy bứt lên một tinh thần, một triết lý không dành cho mình mà dành cho con người, cho cuộc đời từ một cái giá rất đắt của chính mình. Tôi vẫn cho rằng, mỗi câu thơ, mỗi người làm thơ phải có một nghĩa khí, cao hơn là khí phách riêng thì tiếng nói của mình mới mang lại một hiệu quả nào đó. Thơ của ta hiện nay quá thiếu những điều trên mà đang trốn vào cái tôi cá nhân nhỏ bé, ích kỷ, trốn trong câu chữ mù mờ, tắc tị, úm ba la đánh lừa người đọc.
Phùng Khắc Bắc quê ở Phùng Xá - Thạch Thất. Ông từng lang bạt và học phổ thông ở Bắc Giang rồi tình nguyện nhập ngũ năm 1966 trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ trong đội hình Sư đoàn 7. Hơn 10 năm ở chiến trường, lặng lẽ chiến đấu, rời chiến trường lặng lẽ học, lặng lẽ viết. Bạn bè đồng thời không ai nghĩ ông viết văn làm thơ. Mọi sáng tác viết xong thường là cất vào tủ. Chắc không ít những sáng tác ông còn cất trong bộ óc nhạy cảm của mình. Không bao giờ ông nghĩ tới xuất bản thơ văn cho mình. Càng không bao giờ ông nghĩ mình đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Những điều này đến khi ông đã không còn trên trần gian nữa. Điều đó nói lên cái gì? Câu trả lời mở ra rất nhiều chiều hướng nhưng theo tôi không phải tự nhiên ông ứng xử như vậy. Chắc chắn ông phải có lý lẽ của riêng mình và chúng ta hãy nên tôn trọng lý lẽ ấy, không suy đoán, không áp đặt theo một chủ quan nào. Thơ văn chính vì thế mà vẫn còn hấp dẫn và bí ẩn chăng.
“Mẹ không bước ra ngoài ngưỡng cổng/ Chỉ có ánh mắt mẹ là vượt qua cả cái đích đi của con/ Khúc lưng cong của con đường làm cho con ngoái lại/ Và cái nhìn lệch hướng với đích đang đi”. Thơ ông cứ riêng ra như thế, lý lẽ của người lặng lẽ cứ riêng ra. Ông tự tạo cho mình một con đường riêng thản nhiên bước, thản nhiên xanh. Ông từng tuyên ngôn: Ký hiệu thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến khôn cùng đấy thôi và dường như ông đã kiên định đến cùng đi trên con đường ấy. Anh phải về vùng đồi/ Dù phương ấy có nhiều trắc trở… / Dù ở đấy cây lúa cây gianh giành nhau chỗ đứng/ Hòn sỏi hòn đá chia nhau chỗ nằm/ Trong cái làng âm/ Người bốn ngàn năm nằm chung cùng người chưa đủ tháng.
Phùng Khắc Bắc là một nhà thơ đặc biệt, ông viết rất ít nhưng đã neo trong lòng người đọc rất nhiều. Thơ ông càng lùi xa về thời gian tính thời sự dường như càng tăng lên. Thơ Phùng Khắc Bắc mãi thản nhiên một chấm xanh, xanh ngát. Xin được kết thúc bài viết nhỏ này bằng một bài thơ của ông:
Tự do                       
Hãy cho ta một lần tự do 
Dù ngắn ngủi, nhưng một lần cũng đủ 
Một giờ, một phút, một lời hay một chữ 
Nhưng đích thực là tự do. 

Bởi khó khăn thay, trong cuộc đời này 
Nhân loại 
Ai cũng đi tìm điều ấy. 
Và chưa một ai thấy. 

Lẽ rằng: khi ta sinh ra 
Cái tự do đầu tiên của ta là tiếng khóc 
Nhung lót ấm, chăn êm, tiếng à ơi cám dỗ để cầm tù 
Ta nín thinh - ấy là khắc giây ta đã biến thành người 
Và cũng từ khắc giây ấy ủ ươm mầm ao ước 
Rồi suốt đời chưa bao giờ có được 
Hết sợi dây này, đến sợi dây khác, thay nhau trói buộc 
Và vì vậy mà mong ước cứ đầy thêm 
Và dù nhỏ nhất, cũng không ai quên mơ ước 
Chính điều này làm ra cuộc sống NGƯỜI 
Chính điều này làm nên ĐỜI 

Nhưng cuối cùng lần thứ hai tự do lại đến 
Lúc này thì ta nhận được ra, nhưng nó chỉ chợt hiện và chính ta cũng tắt trước nó 
Đứng trước biển 
Ta như bị tan biến ra và bay lâng lâng qua bờ qua bến 
Ta tưởng mình đang tự do và biển là tự do 
Nhưng không, biển mênh mông, và biển đẹp vô cùng 
Biển không bằng một nhánh suối, một dòng sông 
Bởi biển không hề cạn, vì chỉ nhận, mà chẳng cho ai dòng chảy 
Biển nói rằng: biển vẫn còn biết chảy về đâu 
Bởi vậy suốt tháng, suốt năm, phải vật lộn với những nghĩ suy trên những ngọn sóng bạc đầu 
Nước đấy, nước vô tận, mà đời nghèo lênh đênh, cứ khát 
Ta mới hiểu tự do có thật 
Nhưng vẫn có 
Và có hai con đường đi tới nó 
Con đường đi vào cõi Chúa 
Con đường đi trong nhân gian 
Ta chọn con đường thứ hai 
Dù gian nan 
Dù chỉ một lần 
Một lần thôi cũng đủ 
Dù một giờ, một phút, một lời hay một chữ 
Nhưng đích thực là tự do.
Phùng Văn Khai
Nguồn: VNQĐ

No comments:

Post a Comment