.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, December 23, 2012

NÓI THƠ: MỘT SẢN PHẨM VĂN NGHỆ DÂN GIAN ĐỘC ĐÁO CỦA NAM BỘ

Nếu dân ca là sự dung hoà của giọng nói địa phương và các thể văn thơ bình dân thì, nói thơ, với lối diễn xướng “có ca vần” biểu đạt tự nhiên, hấp dẫn đặc thù (nói như hát, hát như nói – nhưng không phải là “hát nói”) nên được xem như một trường phái – trường phái mang tính “hát kể”. Cho nên, khi luật bàn về bộ môn này, nếu không phải là “dân Nam Bộ chính cống”, ắt sẽ có người thắc mắc: “Đã là thơ sao lại không ngâm, mà nói?”. Đơn giản, vì đích thực nghệ thuật diễn đạt “dòng thơ đặc trưng Nam Bộ” này – mà tiêu biểu là tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên – nhứt thiết người nghệ sĩ dân gian phải… “nói”. Cho dù có “cầm bổn”, nghĩa là chưa thuộc lòng, họ cũng chỉ thể hiện bằng cách “nói”, và “nói” thôi, chứ không “đọc”.

Nếu nói thơ Bạc Liêu (xuất phát ở Bạc Liêu) mang màu sắc dân ca trữ tình với làn điệu êm nhẹ thì, nói thơ Vân Tiên có phần “to tiếng” hơn, nhưng không quá trấn áp đến nhức cả tai như hát bội, cũng không nhấn đi nhấn lại những tiếng đệm “ư, ự” sau một vài tiếng hoặc cuối câu như kiểu hát này; không xen đều đều những tiếng “a” hay “nga” sau từng tiếng (chữ) như khi đọc truyện Tàu; cũng không lập lại vài tiếng hay cả câu ở “khổ trước” để kéo dài thời gian như hò; cũng không thôi thúc, bươn bả như nói vè, hoặc kiểu kêu lô tô… Trái lại, nó điềm tỉnh truyền đạt đến người nghe rõ chắc từng tiếng một, nhưng không rời rạc nhờ ở giai điệu và cơ cấu nhịp điệu, cùng là âm điệu rung ngâm vừa phải, đủ để tạo không khí đồng cảm và hấp dẫn người nghe. Vậy thì, ở bộ môn nghệ thuật này rõ ràng là vừa nói, vừa ngâm, vừa hát như một sự tổng hợp, đan xen hài hoà. Để biểu thị, người ta gọi đủ là “Nói thơ Vân Tiên”.

Nói thơ Vân Tiên nguyên là một cách diễn xướng rất đặc trưng truyện thơ Lục Vân Tiên, dài 2.082 câu, do nhà thơ miền Nam Nguyễn Đình Chiểu sáng tác. Từ ấy, đối với những tác phẩm truyện thơ dân gian có nội dung xây dựng đạo lý mẫu mực, lý tưởng phấn đấu, hoặc kích động lòng yêu nước, nhân dân thường dùng lối diễn xướng này. Chính nhờ nghệ thuật nói thơ hấp dẫn như thế mà tác phẩm Lục Vân Tiên nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Và nội dung “giữ đạo nhà” của nó tác động rất lớn đến nếp sống, nếp nghĩ nhân dân miền Nam. Ngay ở thời điểm tác phẩm mới được in ra (khoảng năm 1865), theo ghi nhận của G. Aubaret thì “Ở Nam Kỳ, có lẽ không một người thuyền chài hay người lái đò nào lại không ngâm nga vài ba câu trong khi đưa đẩy mái chèo”, và cũng theo lời ông ta, trên cả nẻo đường bộ, ở các chợ búa, nơi bến tàu, bến xe, đâu đâu người ta cũng thấy “những đám người ngồi xổm, xúm quanh một người ăn mặc rách rưới, thường là một kẻ mù loà, đề nghị anh ta gân cổ lên kể chuyện Lục Vân Tiên có khi đến hằng giờ mà người nghe không biết chán”. Rõ ràng nói thơ… Vân Tiên là một hình thức giải khuây mang ý nghĩa giáo dục quần chúng rất thâm sâu.

Chung nhất, nói thơ là một sản phẩm văn nghệ dân gian đặc hữu độc đáo của Nam Bộ. “Bảo vật” phi vật thể đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc này, cho đến nay, cả tiết điệu, âm vận, đến cung đoạn và cách thức ngâm nga, nghỉ ngừng… những người nghệ sĩ dân gian – các cụ – vẫn rất mực trân trọng giữ gìn, và hầu như ai cũng diễn đạt rất nhuần nhuyễn, nhất là trong những trường hợp diễn xướng truyện thơ truyền thống, kiểu “bổn cũ soạn lại!”.

Trong kháng chiến chống ngoại xâm, nếu từng có những trường hợp “tiếng hát át tiếng bom” thì ngày trước, ngay dưới thời thuộc Pháp, chính quyền thuộc địa không thể không đau đầu về phong trào nói thơ miền Nam – một phong trào bùng lên sức đề kháng mãnh liệt của toàn dân Nam Bộ trước sự hà khắc tàn tệ của ngoại bang, mà tiêu biểu nhất là đối với tác phẩm khuyết danh “Thơ Thầy thông Chánh”, cho nên họ không thể không cấm ngặt mọi hình thức lưu hành, kể cả “lưu hành miệng”. Chính vì vậy mà đời nay, để có được “bổn thơ” này, người ta đã phải mất quá nhiều thời gian và công sức trong việc truy tìm. Và thật may mắn, với quyết tâm vừa nói, vật đã không phụ lòng người!

Khi ngâm nga “Thơ Thầy thông Chánh” bằng chính điệu “nói thơ” Nam Bộ, ta sẽ rất dễ dàng cảm nhận thân phận những con người thấp cổ bé miệng trước móng vuốt của bầy lang sói, để rồi “từ chân tường”, bằng lý trí, họ quyết thà chết chứ không chịu đội chung trời với giặc. Họ vùng lên, và trở thành “kẻ kỳ tời”. Hành động bất khuất ấy ngoạn mục làm sao!

Và, khi diễn xướng, ta cũng sẽ cảm nhận được rằng, “nói thơ” đã làm phong phú thêm hương sắc vườn hoa văn hóa nghệ thuật trên vùng đất phù sa màu mỡ phương Nam – một đóng góp lớn và rất đáng kể của người Nam Bộ mà thế hệ hôm nay và mai sau không thể không hãnh diện, tự hào.

Dưới đây là đoạn đầu bổn thơ Thầy thông Chánh được diễn xướng theo điệu “nói thơ Vân Tiên” (đọc minh họa):
                        Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra,
                        Chép làm một bổn để mà coi chơi,
                        Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời,
                        Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan,
                        Đêm nằm khô héo lá gan,
                        Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng.
                        Chừng nào tỏ nỗi đục trong,
                        Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh.
                        Lang-sa làm việc châu thành,
                        Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh chung.
                        Chỉ sai đua ngựa rần rần,
                        Trát đòi làng tổng tư bề đến đây.
                        Bốn giờ đua ngựa cát bay,
                        Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi.
                        Có thầy Thông Chánh hẳn hòi,
                        Xách súng nai nịch đi coi châu thành.
                        Phủ Hơn lời mới hỏi rằng:
                        Do nào thầy Chánh đi rình bắn ai?
                        Thầy thông thưa lại cùng ngài:
                        Tôi bắn Biện lý chớ ai bao giờ.
                        Thầy thông thiệt lẹ như cờ,
                        Bắn quan Biện lý suối vàng mạng vong…

NGUYỄN HỮU HIỆP

No comments:

Post a Comment