.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, December 17, 2012

NHÀ VĂN THIÊN SƠN: ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG THÁCH THỨC GAY GẮT CÒN ĐANG Ở PHÍA TRƯỚC

Hội nhà văn Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập khi mà những thách thức đang đặt ra ngày càng gay gắt với nền văn học và với mỗi nhà văn. Nếu nhìn ở bề mặt chúng ta thấy thị trường sách văn học bị thu hẹp, cạnh tranh khốc liệt giữa văn học trong nước và nước ngoài khiến thị phần của văn học Việt Nam mất dần, vai trò của văn học trong đời sống xã hội suy giảm, chính sách của nhà nước nghiêng về kinh tế mà coi nhẹ văn hóa nói chung, văn học nói riêng, văn hóa đọc bị cạnh tranh dữ dội bởi văn hóa nghe nhìn… Nếu nhìn ở bề sâu, đang có đột biến trong tâm lý và cảm xúc của thế hệ trẻ, vốn là lực lượng quan trọng của sáng tác và cảm nhận văn học. Những chuẩn mực cũ, những khuôn thức cũ tỏ ra không còn đủ thuyết phục và thúc đẩy được nền văn học tiến lên phía trước.
Nhà văn Thiên Sơn
Với những khó khăn ngày càng đè nặng ấy, đã xuất hiện những hệ quả kéo theo rất đáng quan ngại. Đó là hiện tượng thiếu đỉnh cao trong sáng tạo văn học, nhưng lại phát triển tràn lan các khuynh hướng tìm tòi đi vào cầu kỳ, rắc rối, chú trọng thủ pháp và hình thức mà khô rỗng tính nhân văn, né tránh hiện thực. Cùng với đó là xu hướng nghiệp dư hóa với rất nhiều tác phẩm ở tầm thấp. Nền văn học thiếu chỉ huy bởi một đội ngũ giàu sáng tạo và có nhận thức, bản lĩnh đáp ứng đòi hỏi của khán giả và có khả năng phân tích, lý giải, tác động vào thực tại bởi những tác phẩm mang hơi thở của đời sống.
Những vấn đề đó đặt ra câu hỏi bức thiết về một cuộc củng cố và thay đổi có lộ trình hợp lý trong nhiều mặt hoạt động của Hội nhà văn.
Trước hết, hội nhà văn Việt Nam phải là nơi thống nhất được và tập trung cao độ trí tuệ, tài năng của các nhà văn tiêu biểu nhất của đất nước.
Ở nước ta, tất cả các tỉnh đều có hội văn học nghệ thuật, vậy thì Hội nhà văn Việt Nam chỉ nên kết nạp những cây bút chuyên nghiệp, có tài năng và có khả năng ảnh hưởng đến đời sống văn học trong toàn quốc, nên chấm dứt hiện tượng nghiệp dư hóa trong Hội nhà văn. Đề cao tính chuyên nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh mà việc kết nạp Hội viên đã từng xảy ra những hiện tượng dưới chuẩn. Tính chuyên nghiệp cũng cần đề ra trong hoạt động thường kỳ của Hội, nghĩa là các chương trình nên thiết kế có tính hệ thống và thường xuyên, trên cơ sở tính toán các nguồn lực và  kiêm soát được hiệu quả của các hoạt động đó. Tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở quan điểm riêng và khả năng bảo vệ những quan điểm đó của Hội trong quá trình xây dựng một nền văn học ở giai đoạn mới phức tạp và đòi hỏi ngày càng cao.

Một trong những khó khăn là hiện tượng già hóa trong Hội nhà văn. Phần lớn các cây bút chủ lưc hiện nay đều ở tuổi ngoài 50, thậm chí 60, 70. Đa phần hội viên trong Hội cũng ở lứa tuổi trên 50, những Hội viên ở tuổi 40 không nhiều, và có lẽ không có hội viên nào ở tuổi 20. Trong khi, thời đại này lại đang chứng kiến những dịch chuyển nhanh chóng chưa từng có về nhiều mặt. Muốn đổi mới nền văn học, muốn có một nền văn học tiếp cận những xu hướng lớn của thời đại, phản ánh đúng và sâu sắc những vấn đề quan trọng đang đặt ra, thì phải có những nhà văn tiêu biểu, là sản phẩm của chính thời đại đó. Mấy năm nay Hội cũng đã chú ý nhiều đến vấn đề trẻ hóa đội ngũ. Nhưng bản thân lớp trẻ hiện nay là một lực lượng khó thống nhất bởi các  xu hướng khá đa dạng, và nhìn chung không đồng đều. Số người viết trẻ hiện nay không thật xuất sắc, hùng hậu và chuyên tâm như các thời kỳ trước. Cái nền vừa thấp, vừa tan loãng ra nhiều hướng ấy dẫn đến Hội nhà văn có muốn trẻ hóa cũng không được. Chẳng lẽ vì trẻ hóa nhanh mà chấp nhận hạ chuẩn? Đó là điều tối kỵ.
Cho nên vấn đề ở đây là, muốn trẻ hóa thì phải tạo nên được đội ngũ trẻ dự bị bằng các biện pháp hữu hiệu. Để cho lớp trẻ bây giờ không học văn, không chọn văn học làm con đường sự nghiệp là do trong vài chục năm nay, các nhà điều hành vĩ mô đã coi rẻ văn hóa, văn học. Khoa học cơ bản nói chung, trong đó có khoa học nhân văn bị xem nhẹ. Khi xã hội phải đối mặt với tình trạng vô luân, với sự mù lòa lý tưởng, với sự trống rỗng tâm hồn và phá sản về nhân cách, tội ác chồng lên tội ác, người ta vẫn chưa nhận ra rằng, không có văn hóa, không có văn học, không có những con người dấn thân, chiến đấu cho cái đẹp thì sự phát triển kinh tế cũng chỉ sinh ra những bi kịch mới cho xã hội và đất nước bị kéo tụt lại phía sau. Nhưng nếu những cơ quan có trách nhiệm khác không làm, thì Hội nhà văn vẫn phải làm cho thật tốt công tác bồi dưỡng các tài năng, thúc đẩy các tài năng phát triển và trân trọng họ. Nếu không có kinh phí, có thể xã hội hóa bằng các nguồn tài trợ trong và ngoài nước. Các cây bút trẻ cần có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với các nhà văn lớp trước có uy tín, có điều kiện giao lưu quốc tế, có điều kiện được phát biểu tranh luận trên các diễn đàn chính thức của Hội nhà văn. Nếu không làm kiên trì, Hội nhà văn không chìa bàn tay thân ái với các cây bút trẻ, thì tương lai hiện tượng già hóa càng tăng và đó sẽ là một điều nguy hiểm cho sự phát triển của Hội. Công tác bồi dưỡng lớp trẻ của Hội phải được đặt lên như một nhiệm vụ bức thiết, các nhà văn đàn anh nếu là người thầy tận tâm thì Hội nhà văn sẽ trở thành ngôi nhà thân ái cho lớp trẻ.  
Văn học của mỗi thời kỳ, nếu là tích cực thì nhất thiết phải phản ánh được những nét chính yếu của thời kỳ đó từ mặt tâm hồn, tình cảm, đặc trưng tư duy đến những biểu hiện của lối sống, những chuyển biến xã hội cơ bản có tính lịch sử. Thời nay khác nhiều với thời chiến tranh chống Mỹ, và cũng đã có những điểm khác quan trọng so với thời kỳ đầu đổi mới. Không thể mang cái nhìn cũ, tư duy cũ mà đánh giá, cảm nhận văn học thời nay. Cũng không thể viết theo những tiêu chí cũ, đề tài cũ, phương thức cũ. Tôi vẫn mong Ban chấp hành Hội, các Hội đồng văn học, các ban văn học của Hội phải là nơi sản sinh ra những ý tưởng lớn cho các chương trình Hội thảo, tọa đàm, các chương trình nghị sự của Hội. Những mâu thuẫn lớn nhất của thời đại, những xung đột cơ bản, những dấu hiệu hiểm nghèo ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trí tuệ và nhân cách con người Viêt Nam hiện nay cần được thảo luận và khuyến khích các nhà văn sáng tạo trong tác phẩm. Nếu thiếu sự thẳng thắn, sự quyết liệt bảo vệ những tư tưởng đúng, những sáng tạo độc đáo, tất nhiên, sẽ chỉ dẫn đến sự tụt lùi và văn học mất tính chiến đấu, mất tính thời đại và tính nhân văn. Đó là một thảm trạng mà hiện nay chúng ta đang phải đối mặt làm cho văn học như đang đi vào một đường hầm tối đen mà chúng ta bắt buộc phải vượt qua.
Hội nhà văn có một công cụ quan trọng để thể hiện quyền uy, tư tưởng và giá trị của mình, chính là hệ thống giải thưởng. Giải thưởng của Hội nhà văn  sẽ biểu lộ quan điểm, bản lĩnh, trách nhiệm xã hội và tầm trí tuệ của những nhà lãnh đạo Hội cũng như các hội viên. Do vậy quá trình chọn lựa cần hết sức kỹ càng, mở rộng các kênh tìm kiếm tác phẩm hay ở tất cả các nguồn hiện có, và khi trao giải nên công khai quan điểm của Hội về từng tác phẩm cụ thể. Việc trao giải nên được tổ chức trang trọng, có truyền hình trực tiếp càng tốt. Ngay sau lễ trao giải nên có họp báo trả lời mọi chất vấn của công luận. Ngoài các giải thưởng hàng năm, giải thưởng trong các đợt vận động sáng tác, nên có thêm giải thưởng 5 năm hoặc 10 năm để nhìn nhận lại những tác phẩm hay mà chưa được đánh giá đúng khi mới xuất bản. Cũng có thể nên có giải Thành tựu trọn đời tôn vinh các nhà văn lớn (mỗi năm chỉ một người). Hội nhà văn cũng nên cho xuất bản hệ thống tác phẩm đoạt giải của Hội từ xưa đến nay như một tài sản văn chương cần được tôn vinh và truyền bá trong công chúng. Việc hình thành tủ sách đoạt giải này không khó và có thể bán ra thị trường được để thu lại vốn đã đầu tư. Trên cơ sở tủ sách này, có thể chọn lựa những tác phẩm tinh hoa cho việc giới thiệu ra nước ngoài như là bộ mặt của nền văn học. Đây cũng là tủ sách quý cho công tác nghiên cứu, giảng dạy trong các trường học và là nguồn cho việc chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu…
Với sự phát triển mạnh của truyền thông và internet như hiện nay, nhiều quan điểm rất khác nhau trước một vấn đề sẽ được bộc lộ. Các nhà văn, bạn đọc có quyền biểu lộ thái độ trước bất kỳ hoạt động nào của Hội. Xu hướng dân chủ hóa đó là không thể đảo ngược. Vấn đề ở đây là phải hóa giải mọi bất đồng nếu có bằng hệ thống quan điểm đủ mạnh trên tinh thần xây dựng, sự công tâm.
Vừa qua lãnh đạo Hội nhà văn đã đi viếng mộ các nhà văn tiền bối, đó là một hành động tri ân, một nghĩa cử đẹp tưởng nhớ những con người tài năng và cống hiến lớn lao cho văn học nước nhà. Nhưng có lẽ còn một việc nữa rất đáng làm là chiêu tuyết cho các nhà văn bị oan khiên, bị đánh giá sai lầm do những hạn chế lịch sử một thời. Nên chăng dịp này cũng cần nhìn nhận và khẳng định lại những nhà văn có thành tựu nổi bật vài chục năm nay nhưng chưa được đánh giá đúng mức bằng các giải thưởng chính chức của Hội. Làm được thế, việc kỷ niệm 55 năm Thành lập Hội nhà văn càng thêm ý nghĩa hơn. Và Hội nhà văn mãi là ngôi nhà chung thắm tình đồng nghiệp, vừa là nơi khởi phát và tôn vinh những giá trị văn chương chân chính phụng sự nhân dân, đất nước.
THIÊN SƠN 
Văn nghệ Trẻ/- Phong Điệp

1 comment:

  1. ai sở hữu cuốn sách đại gia cho mình mượn đi pho tô đc ko? Xin chân thành cảm ơn
    Thông tin: 0934 979368
    Email: josepham1010@gmail.com

    ReplyDelete