.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, December 14, 2012

NHÀ THƠ DƯƠNG KỲ ANH – 35 NĂM LÀM BÁO, 21 NĂM LÀM TỔNG BIÊN TẬP


Năm 1987 anh lên làm TBT, lúc đó báo Tiền Phong mỗi tuần một số, giấy rất xấu, trụ sở chật chội nép mình bên hồ Thuyền Quang hun hút gió thổi, còn nhà anh chỉ có 10 mét vuông ở tầng 4 khu tập thể Quỳnh Mai. 

Có lần tôi tình cờ thấy anh đưa cả cháu Dương Anh Xuân đến trụ sở báo vừa làm việc vừa cho cháu đọc sách …
Đến cả ăn sáng anh cũng không có thời gian, phải mua vội nắm xôi với hai quả chuối chín đến phòng làm việc ăn.


- Nguồn:
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo


Nhà thơ Dương Kỳ Anh và hoa hậu Ngô Phương Lan
thăm tặng quà nạn nhân chất độc da cam
 DƯƠNG KỲ ANH – NGƯỜI THƠ “ĐI QUA THỜI GIAN”

Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) có đến 21 năm làm TBT báo Tiền Phong,  năm 1987 đến 2008. Cũng từng ấy thời gian tôi có duyên được gần anh, mỗi năm ra tòa soạn báo 2 lần, nghĩa là có 42 lần trong đời, chưa kể những lần họp hành ở các tỉnh miền Trung. Đến nay tôi vẫn không hiểu nổi giữa bộn bề của một TBT, nhà thơ Dương Kỳ Anh lại đều đều xuất bản nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, nhiều tập thơ và các thể loại khác. Đọc các tác phẩm của anh chưa nhiều, nhưng tôi thích nhất là thơ. Nghĩ về nhân cách và các tác phẩm văn học của anh tôi thấy có một sự nhất quán, anh như thơ- Người Thơ.
Xin nói một chút về duyên được gần Anh, cuối năm 1987 tôi có viết một bài báo “Phiên tòa ngày mai” gửi báo Tiền Phong. Nội dung bài báo nói đến sự oan trái của giảng viên đại học Tây nguyên Nguyễn Sỹ Lý (Nghệ An). Anh Lý bị tòa án sơ thẩm đến giám đốc thẩm kết án 17 năm tù oan về tội giết người. Nguyễn sỹ Lý ôm hận trong lòng “Kêu Trời”, nhưng “Trời không có mắt”. Trong tù, anh Lý đem nổi oan giải bày cùng người bạn tù Cao Tiến Mùi quê Tân Kỳ, cùng tỉnh, như chỉ mong vơi bớt nỗi oan khuất. Nào ngờ anh nông dân Mùi ra tù, không nghiệp vụ điều tra, chỉ bằng trái tim, tình người và  nhiều “sáng kiến mạo hiểm” tạo được chứng cứ minh oan cho Lý khi anh đã thi hành án được 5 năm. Bài báo đăng vào số Tết 1988 đã gây được tiếng vang.
Tiếp đó tôi viết phóng sự (PS) dài kỳ “Người vô danh” còn gọi “ Hai ngàn ngày oan trái”của Nguyễn Sỹ Lý. Phóng sự này đã được xuất bản ra nước ngoài, một số báo tỉnh đăng lại, đặc biệt nó đã làm rung động tái tim nhạy cảm nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Anh chuyển thể PS thành kịch bản văn học: “Trái tim trong trắng”. Vở kịch nóng bỏng tính thời sự của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được các đoàn kịch nhiều tỉnh trong nước công diễn, khán giả nồng nhiệt đón đợi. Nhưng đau thương thay, sau khi được đoàn kịch Hải Phòng mời xem “Trái tim trong trắng” về trên đường 5 đã xẩy ra một vụ tai nạn khó hiểu, nữ sỹ Xuân Quỳnh, con Lưu Quỳnh Thơ và Lưu Quang Vũ, vợ chồng con cái đã tử nạn. Đã có hàng trăm bài báo, thơ cảnh tỉnh, nghi ngờ cái chết đau thương của gia đình nhà viết kịch chuyên đi thẳng vào những nóng bỏng của một xã hội thời kỳ bao cấp, trong đó có nhiều khuôn mặt các ông quan tham hiện lên. Lần đó tôi theo lãnh đạo báo Tiền Phong đi đưa tiễn gia đình Lưu Quang Vũ về nơi vĩnh hằng, dòng người đi, đi mãi trong nước mắt thương tiếc…
Sau khi PS dài kỳ “ Người vô danh” đăng tải tôi được TBT Dương Xuân Nam yêu mến dành cho nhiều ưu ái. Liên tiếp sau đó nhiều PS, bài báo của tôi đã được sử dụng, lúc bài viết về miền Trung, lúc cao nguyên Đắc Lắc, khi ở Na Rì,  Thái Nguyên nơi nóng bỏng các sự kiện. Được cấp thẻ Nhà báo, giấy dưới thiệu phóng viên, tôi như chắp thêm cánh đi khắp đây đó viết hầu hết về các góc khuất của xã hội. Tuy nhiên, như một bài hát, có câu “Chuyện đời còn lắm bon chen, sự đời còn lắm nhỏ nhen” làm TBT Dương Xuân Nam cũng “Lực bất tòng tâm” không thể chuyển tôi về làm ở báo TP được.
Tôi chỉ là một CTV có 21 năm liên tục viết bài cho báo TP (không kể CTV cho một số báo khác) cũng trùng với 21 năm anh Dương Xuân Nam làm TBT ở báo này. Đam mê làm báo, bất chấp PV, hay CTV, nhưng cũng có lúc nghĩ lại tôi thấy tương lai mờ mịt quá nên đã viết thành bài thơ “Bông lau” đăng trên báo TP năm 1989 : “Cong cong câu hỏi giữa Trời/ Số không hồng đỏ, trắng đời nắng mưa/ Tháng ngày trong gió vi vu/ Reo vui đâu biết được thua mai này/ Chợt chiều tơi tả sợi bay/ Trắng tinh oằn xuống, lau gầy hết bông/ giữa trời câu hỏi hư không”. Bài thơ nổi niềm, bây giờ vận đúng vào kiếp mình.
Một chút duyên kỳ ngộ trong “42 lần gặp gỡ” đầy ấn tượng với TBT Dương Xuân Nam để bây giờ tôi lại trở về với Người Thơ. Không thể kể hết đã có mấy chục bài, trăm bài viết về nhà thơ DKA ở các mục : Người đương thời, Người nổi tiếng, phỏng vấn, báo hình, viết, mạng, phần lớn người ta đều nói đến lời hay ý đẹp về anh, nhưng có một góc đời thường, từ cuộc sống đến thơ lại ít ai biết. Năm 1987 anh lên làm TBT, lúc đó báo Tiền Phong mỗi tuần một số, giấy rất xấu, trụ sở chật chội nép mình bên hồ Thuyền Quang hun hút gió thổi, còn nhà anh chỉ có 10 mét vuông ở tầng 4 khu tập thể  Quỳnh Mai . Có lần tôi tình cờ thấy anh đưa cả cháu Dương Anh Xuân đến trụ sở báo vừa làm việc vừa cho cháu đọc sách … Đến cả ăn sáng anh cũng không có thời gian, phải mua vội nắm xôi với hai quả chuối chín đến phòng làm việc ăn.
Trăn trở để tờ báo đúng với nghĩa “Tiền Phong” anh đã dốc sức dốc lòng, bằng nhiều đổi mới bài vở, như “Tác phẩm tuổi xanh”, trang thơ, phóng sự đầy ắp tính thời sự của cuộc sống, các cuộc thi văn học, phóng sự cùng với các phong trào hoạt động xã hội, như học bổng cho các học sinh nghèo, giúp đỡ Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Đặc biệt ngay từ năm 1988 anh đã khởi xưởng cuộc thi hoa hậu báo Tiền Phong, đến bây giờ là cuộc thi hoa hậu Việt Nam và đang vươn ra thi hoa hậu thế giới. Cuộc thi hoa hậu lần đầu tiên này đã gặp không ít trở ngại, vì bị coi là “tư tưởng tư bản chủ nghĩa”, nhưng hướng tới cái đẹp, hướng đến sự thánh thiện đã đem lại chiến thắng.
Có nhiều bài viết nói anh là “Cha đẻ của cái đẹp “ quả không sai. Trong bài thơ “Song hành” của anh có câu “Những bạo chúa, cường quyền rồi sẽ chết/Mọi tấn trò đời khép lại phía sau/ Chỉ có tình yêu song hành cùng trái đất/ Triệu năm rồi và triệu năm sau”. Tình yêu đôi lứa nhà thơ nào cũng nói đến, nhưng triết lý “Chỉ có tình yêu song hành cùng trái đất” thì chỉ có DKA. Trái đất không có tình yêu là một hành tinh chết.
Tính ra đến năm 1993 anh đã có 7 năm làm TBT với bao áp lực của công việc vậy mà anh đã có nhiều tập thơ, truyện ngắn : Và anh đợi (tập thơ NXB Lao động), Mười hai nhành cỏ, Đi qua thời gian (tập thơ NXB Hội nhà văn Việt Nam), Dang dở một chuyện tình (tập truyện ngắn NXB Thanh niên)… về sau anh xuất bản các tiểu thuyết gây tiếng vang như “ Xuyên Cẩm” “ Thổ địa” “ Cõi Ta Bà” …Tôi được anh đề tặng tập thơ “Đi qua thời gian”.
Trong tập thơ này anh luôn luôn trăn trở nhân tình thái thế, nhớ quê hương, thương về những kiếp nghèo. Ngồi trên máy bay của chín tầng mây cao đi ra nước ngoài anh không hân hoan, toan tính mà liu riu nhắm mắt để làm thơ “Mây những tầng mây, trời những tầng trời/ Trái đất thật bé nhỏ/ giờ này ai đang vui, ai đang buồn/Ai đang khổ đau, ai đang hạnh phúc”. Tiếp theo câu hỏi khác được đẩy lên một biên độ cao hơn đậm nhân văn đi vào lòng người, nhưng không phải ai cũng trả lời được “Thời gian vô tận, không gian mênh mông/ Ở đâu bắt đầu, nơi đâu kết thúc…”. Ngay cả lúc đại tiệc, tôi hình dung ra anh đang rỏ nước mắt nhớ đến quê anh vùng đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh)
“Những lần cốc tai sao bỗng nhớ quê nhà
Mái rạ nghèo trắng hạt mưa sa
Cả nhà quây quần bên nồi khoai lang luộc
Củ khoai sém cháy nồi thơm đến mức
Rượu Mác ten bỗng nhạt đầu môi”.
Không thật lòng, không đau đáu nhớ về quê hương làm sao thi sỹ có được những khổ thơ rót thẳng vào lòng người, từ đó mang lại sự truyền thụ, thức tĩnh và trách nhiệm. Làm một TBT anh đã là trên tầng cao của triệu người, mọi hưởng thụ của đời thường không thiếu. Không ít kẻ ở vào địa vị này, chốc lát quên tất cả bạn bè đang hoạn nạn, quên hình ảnh cha đi cày về đội sấm, đội mưa, quên mẹ thân cò sớm tối mom sông nuôi mình khôn lớn, hay có nghĩ đến cũng chỉ gió thoảng, mây bay. DKA không thế, anh nghiệm ra đâu là gốc để có hoa quả, mùa màng.
Trong bài thơ “Đợi” chỉ 4 câu mà DKA đã để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ. Bắt đầu là những sự thật trần trụi, nghe ra không có gì là thơ “Con đợi giao thừa để còn đốt pháo/Mẹ đợi tết đến, cỗ bàn thắp hương/Bà đợi xuân sang, cho trời bớt giá”… Ba câu đầu qua từng cung bật của tuổi tác được nâng cao dần rồi mở ra một khát vọng, khát vọng nằm sâu trong tâm thức, nó trăn trở, một trăn trở lớn lao. Câu thơ thứ 4 là hồn cốt, là xương tủy, là cái thần của cả bài thơ “Chỉ riêng mình bố đợi chờ…bốn phương”. Anh đợi chờ một mùa xuân thanh bình, trăm dân ấm no hạnh phúc, không có quyền lực, bạo hành, không còn bon chen giả dối. Tôi đã có một lần định tự vẫn khi nhìn vào hiện tại, soi về tương lai, mọi bế tắc không biết chia sẽ cùng ai. Rồi tôi gặp được nhà thơ DKA, biết được tuổi thơ của anh rất khổ sở “cồn đất nào nhiều rau má nhất thì hỏi Dương Xuân Nam”. Anh tu chí đi lên từ rau má thay cơm, đi lên từ những buổi chăn trâu cắt cỏ thuê, rồi vào lính, trở thành nhà báo, nhà thơ, nhà văn, TBT.
Trước đây khi gặp những bế tắc tôi quan niệm con người sinh ra từ cát bụi rồi quay về cát bụi, nên chẳng có lý do gì mà không sớm quay về với cát bụi để thoát khỏi bể trần ai. Rồi có một đêm tôi nằm mơ thấy ông Tiên hiện lên nói : Chết không dễ, sống lại càng khó hơn nhiều lần. Chết không dễ là bắt anh phải sống, sống để làm những việc hữu ích ít ra cho anh em, cha mẹ, bạn bè, xóm làng. Tôi gần DKA, đọc thơ, văn, nghe anh tâm sự, tất cả làm tôi bừng tỉnh. Lắm khi tôi như thấy mình chỉ là con tôm bế nhỏ bơi trong lòng Đại dương trí tuệ của anh. Không biết có phải thơ anh, tư tưởng, bản lĩnh của anh ít nhiều đã ngấm vào tôi, cứu sống tôi? Và tôi lao vào đọc, viết, viết thật lòng trước những nhiễu nhương, quan quyền. Tôi thấy mình có ích, học được một chút trách nhiệm của nhà thơ DKA. Tuy nhiên suy cho cùng kiếp người chỉ là hư vô, hư vô trong vô cùng của trái đất, thời gian, vậy mà bao triều đại đều bon chen, cường quyền..
Khi đã lên đỉnh cao của danh vọng, con người không nhân tính lại chà đạp đồng loại, bất chấp luân thường đạo lý, để rồi trước nghiệt ngã của thời gian tất cả chỉ còn lại cát bụi và sự phán xét. “Trước lăng Khải Định” DKA nghiệm ra một điều muôn thủa:
“Ở đây bùn đất lên ngôi
Mảnh sành mảnh chĩnh cũng ngồi với vua
Đâu hồn thơ của người xưa
Tài hoa một nét bây giờ còn đây”.
Từ hiện thực anh quay về một triết lý, từ đó nhắc nhở con người đừng lắm bon chen, tham vọng:
“Nghe trong hương khói vơi đầy
Thời gian hưng phế, tháng ngày phôi pha
Đời người như ngọn gió qua
Bao triều vua cũng chỉ là hư không”.
Thi sỹ thức tỉnh những phàm tục, những bon chen phù phiếm một điều thật đơn giản mà rất khó. Ngồi trên máy bay, trong bữa tiệc, cầm ly rượu, tất cả anh đều nhớ tới quê nhà, bè bạn, nhớ những mảnh đời qua thơ. Câu từ của anh thật mộc mạc mà đầy sức lay động “củ khoai cháy sém nồi, áo tơi, mái rạ quê nghèo”…nghe như đang oằn nặng một vùng quê sớm nắng, chiều mưa, không có âm thanh rì rào từ ruộng mía, bãi dâu.
Trong tập phê bình văn học Thi nhân Việt Nam thời tiền chiến (nhà xuất bản Sài Gòn) Hoài Thanh- Hoài Chân bảo Nguyễn Bính là “hồn quê”, tôi thấy DKA cũng đậm chất trữ tình của làng mạc, thôn xóm. Phần lớn những thi sỹ thực thụ, đa cảm ít ai mà sung sướng được dù nhà cao cửa rộng, bởi thơ luôn trăn trở, trĩu buồn về những phận đời. DKA là một người như thế. Anh không bao giờ cười vang, cười ha hả, có chăng anh chỉ cười bằng mắt, hoặc miệng chúm chím. Chưa bao giờ tôi thấy anh nóng giận, có lẽ sự nhân hậu của anh đã lấn át tất cả. Đã nhiều lần anh khuyên bảo tôi trong cách sống, nhưng không nói trực tiếp mà chỉ đưa thơ văn ra đọc, ngắn gọn nhưng thật súc tích và đầy truyền cảm.
21 năm làm TBT nhà thơ ra về nghỉ ngơi để lại phía sau một tòa nhà cao tầng sừng sững của trụ sở báo Tiền Phong, để lại đến hẹn lại lên những mùa hoa hậu, để lại một đội ngũ PV hùng hậu do anh tuyển chọn … Mấy ai từng ấy thời gian ở cương vị TBT mà tránh được bụi trần, tránh được những làn sóng bể, thi sỹ DKA là một người như thế. Cả đời học cách nói thật, anh về không nghỉ ngơi, chăm bón những khóm hoa, soi đời, nhìn lại, giành hết cho thời gian đọc, viết, chiêm nghiễm nhân tình thái thế và thấy mình thanh thoát.
“Bụi trần không vướng bên thềm
Cỏ non giờ đã phủ lên lối mòn
Ngoái nhìn về phía cô đơn
Hạt mưa mất hút, nỗi buồn hư không”.
Xem ra anh không thanh nhàn chút nào, vẫn suy tư, ước vọng cuộc đời bằng góp nhặt qua thơ nói riêng. Trong bài “Đi qua thời gian” anh không trực tiếp nói về những cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt, để lại bao thù hận giữa con người của hai chiến tuyến.
“Quạnh vắng trong chiều, mẹ đứng trước nghĩa trang
Những linh hồn bay trong gió lạnh
Cỏ đã héo
hoa đã tàn
Aó đã phai
lòng người đổi thay khó thấy”.
Rồi bằng lòng nhân ái bao dung “Mẹ thắp một nén nhang/trước hương hồn những người lính tình nguyện/Cho các anh than thản/ Đi qua thù hận thế gian này”.
Đau thương đã đi qua, ai gây nên cảnh tương tàn, tất cả không gì cứu rỗi, chỉ mong đừng còn nữa chiến chinh. Với cuộc đời, mỗi nhà thơ đều có một cách thể hiện riêng đi vào lòng bạn đọc, người ồn ào, trực diện vạch mặt, còn Dương Kỳ Anh kín đáo, nhân hậu mà sâu lắng, lắm khi câu từ chỉ như hạt cát, nhưng hạt cát triệu năm sóng gội rửa để còn lại sự tinh khôi lấp lóa trong biển cát vàng.
35 năm làm báo, 21 làm TBT, hơn 40 năm văn, thơ anh đã có hàng chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết quá xứng đáng với nhà văn, nhà thơ đương đại Việt Nam. Đã là ông nội của hai đứa cháu ngoan ngoãn có một ngôi nhà sàn sum suê cây trái ở ngoại thành … nhưng nhà thơ không nghĩ ngơi chút nào, vẫn trăn trở, đau đáu:
“Bây giờ tôi biết lặng im
Như con sông chảy im lìm ngoài kia
Lặng im khi buổi chiều về
Phù sa lặng đọng, bốn bề tâm tư
Tôi nào đâu dám thờ ơ
Trước bao la những bến bờ con sông”.
Nhà anh đầy hoa, hoa bốn mùa thơm ngát dịu dàng. Anh hóa thân vào thơ, văn như là một cái nghiệp . Tôi gọi  Dương Kỳ Anh Người Thơ, hoa đẹp thơm cho đời, thơ vươn đến những miền thánh thiện.
HỒ HỒNG TUYẾN
ĐC: Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa, Nghệ An.
ĐT : 01686137569.

No comments:

Post a Comment