.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, December 19, 2012

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỘI VIÊN VÀ HIỆN TRẠNG “NHẬP SIÊU” VĂN HỌC

Việc kết nạp hội viên, năm nào “cũng ì xèo” đủ chuyện; các năm gần đây đỡ hơn nhưng cũng không khỏi “tiếng chì, tiếng bấc” do kết nạp chưa đúng yêu cầu và kết nạp tràn lan; có hội viên ở địa phương khi được kết nạp mà các cây bút ở khu vực cũng không hề biết…họ viết khi nào? Viết ra sao khi chưa hề được đọc tác phẩm. Từ chỗ kết nạp như vậy, làm sao tránh nổi lời ra, tiếng vào. Số hội viên tăng cao hàng năm trong khi tác phẩm có chất lượng cũng chưa hề tăng là điều dễ hiểu.
Huỳnh Thạch Thảo
HUỲNH THẠCH THẢO – NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỘI VIÊN
Tính ra các hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương, trong việc xét kết nạp hội viên đều có một tiêu chí riêng. Hội viên văn học của tỉnh, muốn được xét kết nạp phải có tác phẩm được xuất bản, có giải thưởng hay thường xuyên cộng tác trên tờ tạp chí văn nghệ địa phương và được đánh giá là cây bút có triển vọng và sẽ vươn xa hơn đến cấp trung ương, là hạt nhân nòng cốt của tỉnh.
Ở Trung ương hiện nay, cũng “na ná” như vậy nhưng cấp độ cao hơn, ngoài tác phẩm được xuất bản theo quy định của Hội, có giải thưởng càng tốt, tác phẩm được đánh giá cao, một số tác phẩm mới nhất cần nộp, được Chi hội Nhà văn địa phương hay các Chi hội Nhà văn chuyên ngành giới thiệu sẽ được xem xét kết nạp và lá phiếu thông qua các Ban trước khi đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN.
Việc kết nạp hội viên, năm nào “cũng ì xèo” đủ chuyện; các năm gần đây đỡ hơn nhưng cũng không khỏi “tiếng chì, tiếng bấc” do kết nạp chưa đúng yêu cầu và kết nạp tràn lan; có hội viên ở địa phương khi được kết nạp mà các cây bút ở khu vực cũng không hề biết…họ viết khi nào? Viết ra sao khi chưa hề được đọc tác phẩm. Từ chỗ kết nạp như vậy, làm sao tránh nổi lời ra, tiếng vào. Số hội viên tăng cao hàng năm trong khi tác phẩm có chất lượng cũng chưa hề tăng là điều dễ hiểu.
Để tránh tình trạng này, các thành viên của từng Ban phải được đọc các tác phẩm của người xin vào Hội thông qua Ban hội viên chuyển đến trước đó một thời gian tương đối đảm bảo chính xác, Ban Chấp hành Hội khi bỏ lá phiếu cũng nên cân nhắc kỹ không vì phong trào, không vì ở địa phương hay ngành nghề nào đó đang ít nhà văn sinh sống mà ưu ái hay đặc cách. Bởi khi được xét kết nạp, hội viên chưa đủ độ chín lại dễ sinh tự mãn, khoe mẽ, chủ quan đôi khi những người chưa vào Hội lại có nhiều tác phẩm hay, có giải thưởng thì sẽ giảm dần uy tín Hội.
Đã cuối năm, Ban chấp hành Hội lại chuẩn bị cho đợt xét kết nạp hội viên mới thông qua các Ban để thẩm định tác phẩm, thì cũng mong những ý kiến trên góp phần nhỏ vào việc kết nạp. Hy vọng những người “Có tâm, có tầm, có tài” trong Ban chấp hành cố gắng đãi cát tìm vàng để có độ chuẩn chính xác cho những người vào Hội, bởi vì đó là một thương hiệu dành cho các cây bút. Khi ấy, Hội sẽ được mọi người  tin tưởng và hội viên mới cũng được tôn trọng.

NGUYỄN HIỆP: VỀ HIỆN TRẠNG “NHẬP SIÊU” VĂN HỌC

Những ai tâm huyết với văn học nước nhà không thể không nhận thấy nổ lực lớn lao của Hội Nhà Văn Việt Nam trong chiến lược đưa văn học Việt Nam- một nền văn học đặc sắc nhưng chưa được đầy đặn lắm của chúng ta- ra thế giới vào những năm gần đây. Tuy vậy trong lộ trình khó nhọc ấy cũng có những lúc việc quảng bá bị chùng xuống thấy rõ. Tạm chia hai giai đoạn:
-Thời trước khi Liên Xô tan rã là thời kì Hội đã tạo được những dấu ấn quan trọng khi đầu tư dịch và in bốn mươi quyển Tổng tập văn học Việt Nam sang tiếng Nga, Trung, Truyện Kiều của Nguyễn Du ra hơn ba mươi thứ tiếng, Nhật Ký Trong Tù của Hồ Chí Minh ra hơn hai mươi thứ tiếng, Thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương… Nhìn lại giai đoạn này, rõ ràng có những dự án lớn được đầu tư bài bản, tới nơi tới chốn.
-Thời sau khi Liên Xô tan rã là thời kỳ tự phát, bị động, nguyên thời gian dài, thế giới chỉ biết đến văn học Việt Nam bằng mấy tác phẩm Sống Như Anh của Trần Đình Vân, Từ Tuyến Đầu Tổ Quốc là tập họp thư từ của các bà vợ miền Nam gửi chồng tập kết… Còn tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, Bến Không Chồng của Dương Hướng, Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma của Nguyễn Khắc Trường, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Phạm Thị Hoài, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Thơ Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương và những tác giả khác là do người nước ngoài tự tìm kiếm hay do cơ duyên bạn bè quen biết bắc cầu sau này.
Từ sau Nghị quyết 23, Hội Nhà Văn Việt Nam lấy lại thế chủ động khi đầu tư cho những công trình lớn như Tuyển thơ hay Việt Nam thế kỷ 20, Tuyển truyện ngắn hay Việt Nam thế kỷ 20, Lược sử các tác gia Việt Nam...
Lần đầu tiên Hội NVVN đứng ra tổ chức Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam năm 2002, với gần 20 nước có đại diện tham gia. Đến lần Hội nghị thứ 2 (15-19/1/2010) thì số nước tham gia Hội nghị có tới 39, tức tăng gần gấp 2, đây là Hội nghị “vén màn”, giúp bạn bè quốc tế có được cái nhìn khá tổng thể về văn học Việt Nam.  Chúng ta bước ra khỏi cái kén, đưa tay ra và bạn bè đã dám/biết mà bắt tay mình. Từ năm 1982, trường Đại học Havard đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Văn học Việt Nam giữa hai cuộc thế chiến”, mãi đến năm 2010 và gần đây, chúng ta mới tổ chức được cuộc Giao lưu văn học Việt- Mỹ ngay trên đất Việt, sự chần chừ đó có nhiều lý do. Liên hoan thơ châu Á- Thái Bình Dương (2-6/2/2012), với đại biểu của 25 quốc gia tham dự, ngay lần đầu tiên đã nhận được sự cổ vũ lớn lao của các nhà văn, nhà thơ khắp thế giới; có mặt từ đầu đến cuối Liên hoan mới thấy thật sự là nổ lực lớn của Hội, nhất là những cố gắng không mệt mỏi của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội.
Ngoài các hình thức quảng bá hiệu quả mà Hội đã thực hiện, tôi nghĩ Hội cũng nên có thêm giải thưởng cho những tác phẩm dịch ngược hoặc những trường hợp cá nhân/ tổ chức có những hoạt động quảng bá tích cực văn học Việt ra nước ngoài. (Ví dụ như trường hợp dịch giả Nguyễn Đỗ cùng nhà thơ dịch giả Paul Houver đã dịch thơ Nguyễn Trãi, thơ các nhà thơ hiện đại Việt Nam quảng bá ở Mỹ, trường hợp nhà thơ, tiến sĩ Lâm Quang Mỹ cùng dịch giả Paweł Kubiak đã có công dịch và quảng bá “Tuyển tập Thơ Việt Nam từ thế kỉ 11 đến 19” tại Ba Lan, bản thân sứ giả Lâm Quang Mỹ đã có hơn 1400 buổi đọc thơ Việt trên đất Ba Lan và ông đang tiến hành dịch tập Thơ Mới Việt Nam ra tiếng Ba Lan... Đây là những việc làm không những đưa văn học Việt đến bạn bè quốc tế mà còn tạo ra những tác phẩm dịch quan trọng đối với Việt Nam...)
Việc quảng bá văn học Việt tất nhiên cũng như mọi việc khác trên đời đều dựa vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa mới thành tựu, thiển nghĩ thời điểm này đã đủ đầy mọi yếu tố thuận lợi đó: Cả thế giới gần như đang mở cửa đón nhau, chiến tranh đã có độ lùi nhất định, đất nước đã hồi phục, số lượng nhà văn tài năng nở rộ, phương tiện giao tiếp, làm việc hiện đại, nhanh chóng… Suối mạnh thì sông mạnh, sông dạt dào thì Biển mới ngó thấy. Những năm gần đây nhìn sự ồ ạt du nhập của các dòng văn học thế giới, chúng ta càng suy nghĩ nhiều hơn, ưu tư nhiều hơn về việc xuất tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài, cán cân xuất nhập đang quá lệch là thực trạng đáng buồn. Giảm đến mức có thể về “nhập siêu” văn học là đòi hỏi thúc bách nhưng rất nan giải, không thể ngày một ngày hai, tôi nghĩ mỗi người phải tự nổ lực, tự tận dụng cơ hội của mình, tự tìm ra cách thức phù hợp, cùng chung tay, góp sức với Hội, đừng hằn học, chì chiết, lỗi phải nhau vì những chuyện “văn học chi ngoại” nữa thì may ra đến một ngày nào đó chúng ta mới mở mày mở mặt tự hào về văn học nước nhà. Tôi rất ấn tượng với câu nói của tiến sĩ văn chương Đoàn Hương: “Không có dân tộc lớn, dân tộc bé, chỉ có dân tộc mà thôi”. Tin và hy vọng như vậy!

PVVNT thực hiện

No comments:

Post a Comment